Lĩnh vực Tài chính
Kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

1. Yêu cầu tài chính:

1.1. Đối với công ty TNHH:

(10) a. Bảo đảm vốn pháp định theo quy định của Chính phủ: Vốn pháp định là 5 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định trên.

(11) b. Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định: Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

(12) c. Vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty.

1.2. Đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam: Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ như sau:

(13) a. Có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ.

(14) b. Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty TNHH quy định tại Điều 5 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP (5 (năm) tỷ đồng Việt Nam).

(15) c. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán và vốn được cấp của chi nhánh tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP (tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ).

1.3. Đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới:

(16) a. Có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ vào cuối năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.

(17) b. Ký quỹ bắt buộc số tiền tương đương vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng này cam kết thanh toán trong trường hợp trách nhiệm của các hợp đồng kiểm toán cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam vượt quá mức ký quỹ bắt buộc.

(18) 3.4. Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng: Có vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam) từ 6 tỷ đồng trở lên và phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 6 tỷ đồng.

2. Yêu cầu năng lực sản xuất:

(19) 2.1. Đối với doanh nghiệp Việt Nam: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

(20) 2.2. Đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới: Là doanh nghiệp kiểm toán có quốc tịch tại quốc gia thành viên của Tổ chức thương mại thế giới hoặc quốc gia có hiệp định với Việt Nam về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới.

(21) 2.3. Đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới: Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính.

3. Yêu cầu nhân lực:

(22) 3.1. Điều kiện về số lượng kiểm toán viên hành nghề:

a. Đối với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới: Có ít nhất năm (05) kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai (02) thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH), hoặc hai (02) thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh), hoặc có chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với công ty tư nhân), hoặc người đại diện theo pháp luật (đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới).

b. Đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam: Có ít nhất hai (02) kiểm toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh.

c. Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng: từ 15 người trở lên (đối với đơn vị thuộc lĩnh vực chứng khoán); từ 10 người trở lên (đối với đơn vị không thuộc lĩnh vực chứng khoán).

(23) 3.2. Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty TNHH/công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề hoặc nếu là doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là giám đốc.

(24) 3.3. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề và không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán đó với tư cách cá nhân.

(25) 3.4. Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

3.5. Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng: Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2016/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

(26) a. Có tên trong danh sách kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề kiểm toán trong kỳ chấp thuận được Bộ Tài chính công khai tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.

(27) b. Có ít nhất 24 tháng thực tế hành nghề kiểm toán tại Việt Nam tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện hành nghề kiểm toán đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.

4. Yêu cầu tổ chức và quản lý:

(28) 4.1. Đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam: Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính đảm bảo chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

4.2. Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng:

(29) a. Có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 24 tháng tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.

(30) b. Đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiều 250 đơn vị (đối với đơn vị thuộc lĩnh vực chứng khoán) hoặc tối thiểu 200 đơn vị (đối với đơn vị không thuộc lĩnh vực chứng khoán) được kiểm toán tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký.

Văn bản quy phạm pháp luật

1. Khoản 1,2,3,4 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12.

2. Điều 5, Điều 6, Điều 8, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ.

3. Khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 84/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

4. Điều 1; khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ.