CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP - NGUỒN TÀI NGUYÊN CẦN KHAI THÁC HIỆU QUẢ TRONG NỀN KINH TẾ SỐ

Thứ hai, 11/06/2018 17:14 GMT+7
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để đưa ra góc nhìn đa chiều về doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, đồng thời, công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018, sáng 17/5/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp trong nền kinh tế số” và công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện giao dịch qua mạng. 

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh: Năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp với 126.859 doanh nghiệp được thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay. Điều này giúp số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập kể từ khi có Luật doanh nghiệp năm 2000 đến này đã vượt con số 1 triệu doanh nghiệp.

Cùng với đó, ông Lộc khẳng định: Các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số. Công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Năm 2016, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến đạt 390 triệu USD (thị phần của Google và Facebook là 75%, còn lại 25% là của các công ty khác), dự báo sẽ tăng hơn gấp 3 lần (đạt 950 triệu USD) vào năm 2020; thương mại điện tử tăng 50% so với cùng kỳ năm 2015, với tổng giá trị hàng hóa đạt 900 triệu USD, dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 5 tỷ USD, ...

Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng khoa học của VCCI, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp cho biết, kinh tế số và các mô hình kinh doanh phi truyền thống đang ngày càng tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đưa các mô hình kinh doanh mới này vào cuộc sống vẫn còn những khó khăn nhất định do yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các hoạt động kinh doanh, đảm bảo tính công bằng cũng như quyền lợi của khách hàng.

Vì thế, VCCI khuyến nghị với các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, ban hành chính sách để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong nước, nhất là khi ngày càng có nhiều mô hình cạnh tranh phi truyền thống xuất hiện; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội do nền kinh tế số mang lại. VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt, nhanh chóng nắm bắt các xu thế mới của công nghệ số để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng cường liên kết để phát triển chuỗi cung ứng thông minh.

Các diễn giả tham gia thảo luận trong Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số

(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, các diễn giả là các nhà làm chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi về những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa vào công nghệ số, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, năng lực nội tại của doanh nghiệp trong thực tiễn kinh doanh dựa vào công nghệ số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh vai trò, giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp như là một nguồn tài nguyên vô cùng hữu ích, cần khai thác hiệu quả, đặc biệt là trong nền kinh tế số.

Bà Minh cho biết thêm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và vận hành được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia trên cơ sở hợp nhất dữ liệu rời rạc từ 63 địa phương trên cả nước. Từ năm 2010 đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã chứa đựng thông tin của hơn 01 triệu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và là thông tin có giá trị pháp lý gốc. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đều có thể tìm kiếm thông tin đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn).

Bên cạnh mục tiêu phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp còn là thông tin đầu vào hữu ích cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thay đổi mô hình kinh doanh trong bối cảnh mới này. Cụ thể hơn, trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm bạn hàng, doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân nào cũng có thể truy cập để lấy được thông tin về bất cứ một doanh nghiệp cụ thể hoặc xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoặc địa bàn hoạt động khác nhau nhằm phục vụ cho quá trình thiết lập mô hình kinh doanh hay mở rộng mô hình kinh doanh.

Cũng trong phần thảo luận của Diễn đàn, ông Dương Anh Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VNET đánh giá cao những nỗ lực cải thiện chính sách của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lớn về sự thay đổi của thể chế, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” và từ “doanh nghiệp được làm những điều pháp luật cho phép” sang “doanh nghiệp được làm những điều pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, ông Đức đề cập đến việc siết chặt thanh toán bằng thẻ cào điện thoại mới đây với các dịch vụ thương mại điện tử khiến các dịch vụ này bị giảm tới 90% doanh số.

Ông Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GMK cho biết, quản trị như thế nào cho hiệu quả và phát huy mọi nguồn lực đã và đang là vấn đề tồn tại với không ít doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông cũng cho biết một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu tư duy làm ra sản phẩm thật tốt mà vẫn đang nghĩ quá nhiều đến lợi nhuận.

Ông Trần Thành Nam – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thì cho biết, các dịch vụ mới ở Việt Nam như fintech hiện mới thu hút chủ yếu của nước ngoài trong khi các doanh nghiệp lớn ở trong nước thường giành mối quan tâm đến bất động sản, chuỗi nhà hàng đồng thương hiệu… Tuy nhiên, tương lai của fintech tại Việt Nam là rất lớn nhất là phần đông dân chúng đã dùng điện thoại thông minh (smartphone) và mọi thanh toán của họ đều có thể thực hiện qua phương tiện này.

Kết thúc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không thể nắm bắt cơ hội và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà hoặc lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn trong các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Tăng Nguyệt Ánh

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

 

Lượt xem: 29776

X

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Thông tin hỗ trợ
Hộp thư hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, bố cáo điện tử, thanh toán điện tử
Hộp thư tiếp nhận phản ánh về đăng ký doanh nghiệp