TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Thứ sáu, 01/10/2021 11:09 GMT+7
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021

Với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và mạnh, cuộc chiến chống Covid-19 trên thế giới bước sang giai đoạn mới khi số ca nhiễm tăng mạnh đến mức báo động trên toàn thế giới, ngay cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Israel… Các biện pháp phòng chống dịch bệnh áp dụng rất hiệu quả trong những đợt dịch trước thì nay đã không còn phù hợp khi biến chủng Delta có đặc điểm siêu lây nhiễm. Thực tế cho thấy dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ngay cả khi có vắc xin. Các chuyên gia nhận định rằng biến thể Delta chính là yếu tố quyết định đến cách thế giới ứng phó với đại dịch trong giai đoạn tiếp theo và không thể đạt được trạng thái “sạch bóng Covid-19” (Zero Covid) kể cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp đặt lệnh phong tỏa lâu dài. Do vậy, thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp và không có lộ trình cụ thể cho doanh nghiệp mở cửa trở lại (đặc biệt là Quý III/2021) khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp vốn đã trải qua một năm 2020 khó khăn lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong năm 2021. Nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm…

Sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch Covid-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn. Báo cáo khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế vào tháng 8 vừa qua cho thấy, có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh do dịch, 15% doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất[1]. Cũng theo khảo sát này thì tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở cả hai nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đều quanh mức 46%. Như vậy, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không. Nếu nhóm doanh nghiệp này chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly, giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm giải thể là rất cao, vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức[2]. Điều này cũng được lãnh đạo của 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, điện tử, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ, nhựa, giấy… nêu tại kiến nghị gửi đến Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới. Theo các hiệp hội, dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy[3].

Bối cảnh dịch bệnh cùng thời gian phong tỏa kéo dài đã khiến cho tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng so với những năm trước.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 năm 2021

1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 32,3% so với tháng 8/2021. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 62.432 tỷ đồng, giảm 69,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 8,1% so với tháng 8/2021. Đây cũng là mức vốn đăng ký mới thấp nhất trong tháng 9 kể từ năm 2016.

Trong tháng 9/2021, 5/6 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2020, gồm: Đông Nam Bộ (752 doanh nghiệp, giảm 82,9%); Đồng bằng Sông Cửu Long (181 doanh nghiệp, giảm 80,8%); Tây Nguyên (195 doanh nghiệp, giảm 58,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (574 doanh nghiệp, giảm 56,8%); Đồng bằng Sông Hồng (1.801 doanh nghiệp, giảm 35%). Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập (396 doanh nghiệp, tăng 1%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2021 là 49.901 người, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm 2020.

2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tháng 9 năm 2021 ghi nhận có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 9/2021, cả nước có 5.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 16,9% so với tháng 8/2021. Trong đó có: 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 41,8% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 2.509 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2020; 606 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 65,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường như: không họp được hội đồng thành viên, không ký được các giấy tờ, không xử lý được các vấn đề về thủ tục thuế, thanh lý tài sản,... và nhiều doanh nghiệp chỉ ngừng rất ngắn hạn khi thực hiện giãn cách xã hội (1 - 2 tháng) nên không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2021

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 là 117.830 doanh nghiệp (giảm 11,8% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 85.483  doanh nghiệp thành lập mới (giảm 13,6%) và 32.347 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 6,6%). Trung bình mỗi tháng có 13.092 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số liệu doanh nghiệp gia nhập thị trường 9 tháng và Quý III/2021 cho thấy tâm lý e ngại dịch bệnh và các biện pháp giãn cách mạnh mẽ đã khiến nhiều dự định kinh doanh, kế hoạch kinh doanh bị gác lại, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 85.483 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020 và là số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký thành lập trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.195.801 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021 là 2.872.971 tỷ đồng (giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.195.801 tỷ đồng (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2020). Có 31.997 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 9 tháng đầu năm 2021 (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.677.170 tỷ đồng (giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, đối với Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng ca nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước và là địa phương thực hiện giãn cách sớm đã có sự sụt giảm về cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký với tỷ lệ giảm 22,3% và 40,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình 9 tháng giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 38,5% về số vốn).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 648.846 lao động, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong Quý III/2021 (thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất), số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18.400 doanh nghiệp, mức thấp nhất trong giai đoạn Quý III kể từ năm 2015, giảm 51,3% so với Quý II/2021, giảm 37,2% so với Quý I/2021 và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký mới cũng giảm đáng kể so với các giai đoạn trước, chỉ đạt 253.153 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn Quý III kể từ năm 2017, giảm 48,8% so với Quý II/2021, giảm 43,5% so với Quý I/2021 và giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu so sánh với trung bình Quý III giai đoạn 2016-2020 thì số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký mới trong Quý III/2021 cũng sụt giảm đáng kể: giảm gần 1,8 lần về số doanh nghiệp và giảm 1,6 lần về số vốn đăng ký mới (Trung bình trong Quý III giai đoạn 2016-2020 có 32.789 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 399.852 tỷ đồng).

- Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 2/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: Kinh doanh bất động sản (tăng 11,5%); Vận tải kho bãi (tăng 4,6%).

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 28.924 doanh nghiệp (chiếm 33,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 11.026 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 10.653 doanh nghiệp (chiếm 12,5%).

Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là những ngành, nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 77,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 24,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 24,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 20,9%) và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 17,1%).

- Phân theo địa bàn hoạt động:

Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 5/6 khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng k năm 2020, gồm: Tây Nguyên (2.792 doanh nghiệp, giảm 22,8%); Đông Nam Bộ (32.061 doanh nghiệp, giảm 21,6%); Đồng bằng Sông Cửu Long (6.109 doanh nghiệp, giảm 18,2%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (11.970 doanh nghiệp, giảm 11,5%); Đồng bằng Sông Hồng (28.078 doanh nghiệp, giảm 4,5%). Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng (4.473 doanh nghiệp, tăng 11,2%).

- Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 3/5 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng là 1.430 doanh nghiệp (chiếm 1,7 %, tăng 19,5%); từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.389 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 12,1%) và ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng là 2.957 doanh nghiệp (chiếm 3,5%, tăng 2,6%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng là 4.744 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, giảm 12,9%), từ 0 - 10 tỷ đồng là 74.963 (chiếm 87,7%, giảm 15%).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2021 là 32.347 doanh nghiệp, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình của 9 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020 (21,1%).

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.599 doanh nghiệp, chiếm 35,9%); Xây dựng (4.718 doanh nghiệp, chiếm 14,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.021 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm ở 14/17 lĩnh vực, đáng chú ý: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (261 doanh nghiệp, giảm 23,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (466 doanh nghiệp, giảm 19,1%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (292 doanh nghiệp, giảm 15,9%) và Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (142 doanh nghiệp, giảm 11,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.021 doanh nghiệp, giảm 5,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.832 doanh nghiệp, giảm 1,7%) và Thông tin và truyền thông (702 doanh nghiệp, giảm 0,8%).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ cuối tháng 7/2021, chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng… Đặc biệt, các doanh nghiệp khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid… Do vậy, nguy cơ đứt gãy chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường[4].

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Dưới tác động của dịch bệnh, đã có 90.291 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021.

Tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2021 có 24.491 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 27,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước). Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.958 doanh nghiệp, tăng 12,8%).

2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 là 45.091 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 là 12.958 (chiếm 28,7% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (16.695 doanh nghiệp, chiếm 37,0%); Xây dựng (6.171 doanh nghiệp, chiếm 13,7%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.366 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Nguyên nhân là bởi hoạt động xây dựng phải đối mặt với nguy cơ lớn khi các chi phí đầu vào như giá thép xây dựng, vật liệu tăng cao, nhiều công trình xây dựng không được phép hoạt động trong thời kỳ giãn cách.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), kể từ giữa tháng 7/2021, có hơn 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Chỉ trong hơn 1 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã sụt giảm thê thảm do tác động của dịch Covid-19. Đến thời điểm này đã có trên 50% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Những doanh nghiệp còn lại vẫn đang phải vật lộn để duy trì sản xuất[5].

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 40.763 doanh nghiệp (chiếm 90,4%, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.370 doanh nghiệp (chiếm 5,3%, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.287 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 412 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 259 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 23.155 doanh nghiệp (chiếm 51,4%); 12.076 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,8%) và 9.860 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,9%).

2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 32.398 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020.

So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 15/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.603 doanh nghiệp, chiếm 35,8%); Xây dựng (4.091 doanh nghiệp, chiếm 12,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.936 doanh nghiệp, chiếm 12,1%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 5/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 29.140 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.577 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 909 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 390 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020) và trên trên 100 tỷ đồng có 382 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020).

2.3. Doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại

Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 9 tháng đầu năm 2021 là 12.802 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

12/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Khai khoáng; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 115,4%; 82,4% và 36,8%.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 8.136 doanh nghiệp (chiếm 63,6%); 2.492 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 19,5%) và 2.174 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 17,0%).

Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 3/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 11.354 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 729 doanh nghiệp (chiếm 5,7%, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 416 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 157 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 146 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 24,0% so với cùng kỳ năm 2020).

 

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

 

              

 

 

[1] https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dang-kiet-suc-can-tien-4352350.html

[2] https://bnews.vn/doanh-nghiep-thieu-hut-ve-dong-tien/213329.html

[3] https://nld.com.vn/kinh-te/14-hiep-hoi-kien-nghi-cac-giai-phap-song-chung-voi-dich-covid-19-20210917102714437.htm

[4] https://vneconomy.vn/gan-70-doanh-nghiep-thuy-san-khong-du-nang-luc-phuc-hoi-san-xuat-sau-gian-cach.htm

[5] https://vneconomy.vn/50-doanh-nghiep-nganh-go-dung-truoc-bo-vuc-pha-san.htm

Lượt xem: 8826

X

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Thông tin hỗ trợ
Hộp thư hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, bố cáo điện tử, thanh toán điện tử
Hộp thư tiếp nhận phản ánh về đăng ký doanh nghiệp