CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG XANH

Thứ sáu, 01/06/2018 14:24 GMT+7
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng ngày 22/5/2018, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với thực hiện tốt an sinh xã hội và tăng trưởng xanh.

Toàn cảnh Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh”

(Nguồn: Ảnh tư liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhận định:

Trong những năm gần đây, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang ngày càng được giới doanh nhân nước ta nhận thức sâu sắc. Đó cũng chính là những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và gia đình họ, có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ trách nhiệm sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho chính doanh nghiệp, mà còn với cả cho quốc gia:

Đối với lợi ích quốc gia: Lợi ích lớn nhất mà quốc gia nhận được thông qua việc huy động các doanh nghiệp tăng cường thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội và tăng trưởng xanh của doanh nghiệp cho phát triển bền vững chính là góp phần nâng cao được lợi thế quốc gia, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ an sinh xã hội và tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”; “tái cấu trúc nền kinh tế”; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Đối với lợi ích cho chính doanh nghiệp: TS Lê Xuân Đình cho rằng khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh, thì doanh nghiệp sẽ đạt những lợi ích, như:

Nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp: Việc doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm nhiệm xã hội, thực hiện an sinh xã hội sẽ góp phần tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp và những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Trong những năm qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập.

Giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến chính sách xã hội, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động.

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề an sinh xã hội, TS Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tạo ra được một đội ngũ người lao động gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về công ty và làm việc hết mình vì lợi ích chung của “đại gia đình”.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, TS Nguyễn Văn Hồi đưa ra số liệu cụ thể làm ví dụ: Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã khẳng định nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (trong đó có an sinh xã hội) mà doanh thu của các doanh nghiệp này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao… Do đó, bản thân doanh nghiệp cần coi trọng thực hiện an sinh xã hội là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của mình.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện an sinh xã hội để khẳng định vai trò chủ đạo của mình đối với các thành phần kinh tế. Đồng thời, xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện hóa quan điểm này trong cuộc sống thì việc thực hiện an sinh xã hội của doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn của Nhà nước như: Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Công ty Viễn thông quân đội (Viettel),.. đã xác định thực hiện an sinh xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các doanh nghiệp này đã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của mình đối với người lao động và cộng đồng.

Tuy nhiên, đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là ở khu vực tư nhân, việc chủ động quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội vẫn là điều lạ lẫm đối với không ít doanh nghiệp. Theo TS Nguyễn Văn Hồi thì điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính: nhận thức hoặc khó khăn về tài chính của bản thân các doanh nghiệp.

Về vấn đề Doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, TS Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra nhận định về những thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay khi đầu tư cho tăng trưởng xanh, bao gồm: Nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể sau rộng ở các ngành, các cấp, các phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Thể chế, chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương, đơn ngành; Chính sách ban hành chậm, không theo kịp với mức phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt; Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh; Cách tiếp cận chủ yếu là từ trên xuống nên đã hạn chế sự tích cực của doanh nghiệp tư nhân; Các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Từ thực trạng này, TS Phạm Hoàng Mai đã đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với các biện pháp phù hợp (khen thưởng, tuyên dương các điển hình, các mô hình thí điểm,…); Đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Ban hành các văn bản hướng dẫn thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân; Nâng cao hiệu lực trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Điều chỉnh chính sách mua sắm công, tạo nhu cầu đầu tư cho tăng trưởng xanh (lộ trình tăng giá điện hợp lý, dán nhãn tiêu thụ năng lượng, mua sắm xanh,…); Hình thành các công cụ tài chính đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh; Xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ dưới góc độ của một chuyên gia, Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Doanh nghiệp khởi nghiệp việc đầu tiên phải đối diện khi đầu tư cho tăng trưởng xanh là chi phí, nhưng việc này lại mâu thuẫn với lợi nhuận. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng để vượt qua thách thức này thì vấn đề không phải là chính sách mà là vấn đề thái độ của doanh nghiệp đối với tăng trưởng xanh. Nếu doanh nghiệp tiếp cận vấn đề theo một hướng tích cực, coi chi phí đó chính là một khoản đầu tư thì thái độ của doanh nghiệp sẽ khác. Doanh nghiệp khởi nghiệp thì không thể có một khoản đầu tư lớn như các doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thị trường như Traphaco hay Unilever, do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, từ suy nghĩ làm thế nào để bán hàng tốt hơn nhờ giá trị xanh. Ngoài ra, theo Ông Phan Đức Hiếu, để phát triển được tăng trưởng xanh thì vấn đề lớn nhất là làm thế nào doanh nghiệp giữ được uy tín và cam kết. Do đó, các doanh nghiệp nên coi việc phát triển doanh nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh chính là một hình thức đầu tư, một khoản lợi ích và phải có một cam kết về mặt uy tín và lâu dài.

Cũng tại Hội nghị, nói về việc tại sao doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vấn đề về an sinh xã hội hay phát triển bền vững doanh nghiệp? Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) đã đưa ra hai lý do: lý do thứ nhất thứ nhất, đó là do nhận thức của doanh nghiệp và từ nhận thức đến hành động. Cho đến bây giờ không phải tất các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều coi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là năng lực cạnh tranh, là năng suất, là hội nhập quốc tế. Họ luôn coi thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là chi phí. Điều đó là hoàn toàn sai lầm vì khi việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nói chung cũng như an sinh xã hội, tăng trưởng xanh nói riêng chính là hình thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể phát triển vững bền, làm tròn bổn phận của doanh nghiệp với xã hội. Lý do thứ hai, đó là vấn đề về năng lực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên, gần đây VCCI đã triển khai các khóa đào tạo sâu về nhận thức, khả năng để doanh nghiệp thực thi phát triển bền vững, thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo Ông Nguyễn Quang Vinh thì thực thi trách nhiệm xã hội doanh nghiệp phải là mô hình kinh doanh, phải đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Đó mới là cách thực hiện trách nhiệm xã hội tốt nhất.

Ngoài những góp ý, chia sẻ của các chuyên gia trên, tại Hội nghị cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, đề xuất các giải pháp quyết liệt để tạo động lực giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nâng cao lợi thế quốc gia trong xu thế tiêu dùng xanh đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu như hiện nay.

Nguyễn Thanh Hòa

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Lượt xem: 1577

X

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Thông tin hỗ trợ
Hộp thư hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, bố cáo điện tử, thanh toán điện tử
Hộp thư tiếp nhận phản ánh về đăng ký doanh nghiệp