Khi nói đến khu vực tư nhân và sự phát triển của thị trường vốn, có thể nhận thấy rằng tầm quan trọng của việc bảo vệ và trao quyền cho nhà đầu tư đang ngày càng được nâng lên trở thành mục tiêu trong xây dựng chính sách. Đặc biệt, từ sau sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện các cải cách nhằm hướng tới tăng cường vai trò, sự tham gia của cổ đông thiểu số trong việc ra quyết định quản trị công ty. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Doing Business 2017, kể từ năm 2005, đã có 166 hành động cải cách của 100 nền kinh tế thế giới liên quan đến quản trị doanh nghiệp; kể từ năm 2013, có 54 nền kinh tế thực hiện 63 thay đổi về pháp lý để nâng cao sự bảo vệ đối với cổ đông thiểu số.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số cũng chưa bao giờ được nâng tầm quan trọng như hiện nay, khi mà tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Đảm bảo hiệu quả thực thi các quy định về Bảo vệ nhà đầu tư” với mục tiêu từng bước nâng cao thứ hạng Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số (thuộc Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới) từ thứ 87/189 (năm 2016) lên thứ 80 (năm 2017) và 60 (năm 2020).
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về quản trị doanh nghiệp tốt, mà trong đó, vấn đề quan trọng là bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông thiểu số, kinh nghiệm cải thiện của một số nước và khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm cải thiện thứ hạng về Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
I. THẾ NÀO LÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP?
Hiện nay, có nhiều khái niệm khác nhau về quản trị doanh nghiệp, tùy thuộc vào mục tiêu đề ra. Có thể trích dẫn một khái niệm được đưa ra tại cuốn sách “Quản trị doanh nghiệp và Trách nhiệm giải trình” (Corporate Governance and Accountability) của tác giả Jill Solomon (năm 2005) như sau: “Quản trị doanh nghiệp là một hệ thống các hoạt động kiểm tra và cân đối, đối với cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp có trách nhiệm tương ứng các bên liên quan và hành động một cách có trách nhiệm xã hội trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh của họ”. Nhìn chung, quản trị công ty là nhằm xây dựng một môi trường của lòng tin, tính minh bạch, tính giải trình nhằm đảo bảo mục tiêu đầu tư dài hạn, ổn định tài chính và đạo đức kinh doanh, từ đó, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội[1]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quản trị doanh nghiệp tốt giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc nâng cao tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity), hiệu quả phân bổ vốn đầu tư, hiệu quả hoạt động và giá trị của doanh nghiệp, giảm chi phí về vốn và giúp dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài chính bên ngoài[2].
1. Mối liên hệ giữa quản trị doanh nghiệp và phát triển
Khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng quy định pháp lý về quản trị doanh nghiệp thay vì để các doanh nghiệp toàn quyền đề ra nguyên tắc quản trị riêng sẽ giúp đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu để định hướng và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Khi nguyên tắc quản trị trong doanh nghiệp bị vi phạm, các quy định đó sẽ là cơ sở pháp lý để nhà đầu tư đòi lại quyền lợi cho mình. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư khác thay vì trực tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp và khi có sự bảo hộ đầy đủ của pháp luật thì các hoạt động đầu tư này sẽ càng được khuyến khích. Nhờ đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ càng trở nên dễ dàng hơn, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn qua việc đóng thuế thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Quản trị doanh nghiệp tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích cao nhất của nhà đầu tư, do đó, đóng góp cho việc nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Khi công tác quản trị doanh nghiệp được thực hiện tốt, ban quản trị, giám đốc doanh nghiệp được trao quyền để điều hành hoạt động của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất trên cơ sở áp dụng những kinh nghiệm cũng như khả năng nhạy bén trong kinh doanh của mình, đồng thời, cơ cấu tổ chức và các quy trình nội bộ của doanh nghiệp được xây dựng, áp dụng một cách rõ ràng; theo đó, trách nhiệm giải trình (accountability), khả năng dự báo (predictability) và tính minh bạch (transparency) sẽ được nâng cao, giúp giảm thiểu rủi ro do yếu kém trong công tác quản lý và sự lạm quyền.
2. Phương pháp luận của Ngân hàng Thế giới trong đo lường Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số
2.1. Các thành phần của Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số
Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới cung cấp dữ liệu về 38 khía cạnh liên quan đến quản trị doanh nghiệp, được chia thành 02 nhóm, mỗi nhóm gồm 03 chỉ số thành phần (Bảng 1).
Nhóm Chỉ số Mức độ quản lý xung đột lợi ích tập trung đo lường mức độ bảo vệ cổ đông trước việc người giám đốc lạm dụng tài sản của công ty vì lợi ích cá nhân thông qua ba khía cạnh phản ánh sự xung đột về lợi ích, gồm: Tính minh bạch trong giao dịch với người có liên quan[3] (Extent of Disclosure Index), Khả năng cổ đông khởi kiện và yêu cầu người quản lý chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội vụ lợi (Extent of Director Liability Index), Khả năng cung cấp bằng chứng và trợ cấp chi phí pháp lý khi cổ đông khởi kiện (Ease of Shareholder Suits Index). Giao dịch với người có liên quan (related-party transaction) là giao dịch mà trong đó, chủ thể có lợi ích về kinh tế hoặc lợi ích cá nhân nào đó ở cả hai bên tham gia giao dịch; ví dụ: người quản lý của một doanh nghiệp thực hiện giao dịch cung cấp sản phẩm/dịch vụ với một doanh nghiệp khác được sở hữu 100% bởi vợ hoặc chồng của người đó. Loại giao dịch này không phải luôn luôn nguy hại, tuy nhiên, thường là cơ hội tốt để xảy ra tình trạng vụ lợi – một hình thức lạm dụng quyền lực, do đó, cần phải có quy định pháp lý điều chỉnh. Trong ví dụ ở trên, vụ lợi có thể xảy ra bằng cách áp giá cung cấp sản phẩm/dịch vụ trong hợp đồng cao hơn so với giá thị trường để người vợ/chồng hưởng lợi từ việc đẩy cao chi phí. Một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã cho thấy rằng việc bảo vệ nhà đầu tư trước hành động vụ lợi có mối liên hệ tích cực với sự phát triển của thị trường vốn[4].
Nhóm Chỉ số thứ hai – Quản trị cổ đông – cung cấp cách nhìn tổng quan hơn về quản trị doanh nghiệp. Từ vấn đề về quyền của nhà đầu tư, bảo vệ cổ đông khỏi ảnh hưởng của pha loãng cổ phiếu (share dilution)[5], cơ cấu sở hữu (ownership structure) và sự kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp đến vấn đề thù lao của người quản lý doanh nghiệp và minh bạch hóa trong kiểm toán doanh nghiệp đều được bao hàm trong nhóm chỉ số này.
2.2. Các giả định đối với mẫu khảo sát phục vụ cho việc đo lường Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số
a) Giả định đối với chủ thể tham gia giao dịch (Công ty Buyer)
- Là một công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán quan trọng nhất của nền kinh tế. Nếu số lượng công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán này ít hơn 10 hoặc nền kinh tế không có sàn chứng khoán thì giả định Buyer là một công ty tư nhân lớn có nhiều cổ đông.
- Có Ban giám đốc và Giám đốc điều hành (CEO) – người có thẩm quyền ra quyết định thay mặt cho Buyer, kể cả khi pháp luật không có quy định về việc này.
- Có Ban kiểm soát (áp dụng đối với những nền kinh tế có cấu trúc hội đồng hai tầng – two-tier board structure) mà trong đó 60% số thành viên do cổ đông bầu ra được bỏ phiếu tán thành bởi Ông James – cổ đông nắm quyền kiểm soát của Buyer và là một thành viên thuộc Ban giám đốc của Buyer.
- Quy chế hoặc Điều lệ công ty đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu và không phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc hoặc hướng dẫn có tính tùy chọn liên quan đến quản trị doanh nghiệp.
- Là một công ty sản xuất có hệ thống phân phối riêng.
b) Giả định đối với giao dịch
- Ông James sở hữu 60% cổ phiếu của Buyer và bỏ phiếu tán thành cho 02 trong số 05 người thuộc Ban giám đốc của công ty này.
- Ông James cũng sở hữu 90% cổ phiếu của Seller – một công ty có chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ kim khí. Seller vừa đóng cửa một số lượng lớn cửa hàng bán lẻ.
- Ông James đề nghị Buyer mua lại một đội xe tải của Seller để mở rộng việc phân phối các sản phẩm thực phẩm của Buyer và đề nghị này được Buyer đồng ý. Giá bán tương đương với 10% tài sản của Buyer và cao hơn giá thị trường.
- Giao dịch này là một hoạt động thông thường của doanh nghiệp.
- Buyer thực sự tham gia vào giao dịch. Được sự chấp thuận của các bên liên quan và đáp ứng tất cả các yêu cầu về công khai thông tin để đảm bảo giao dịch này không gian lận.
- Giao dịch dẫn đến thất thoát cho Buyer. Cổ đông khởi kiện Ông James và các bên liên quan đến việc chấp thuận giao dịch.
II. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ TRÊN THẾ GIỚI VỀ BẢO VỆ CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 2013, có 54 nền kinh tế thực hiện 63 sự thay đổi về pháp lý nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số;trong số đó, có 22 nền kinh tế thực hiện việc này bằng cách cải thiện các yếu tố thuộc chỉ số Quản trị cổ đông.
1. Kinh nghiệm của Thụy Sĩ
Quản lý thù lao của ban điều hành công ty là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, do trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người được thuê thực hiện việc điều hành doanh nghiệp tự quyết định mức thu nhập của mình và không báo cáo với chủ doanh nghiệp về mức thu nhập đó. Năm 2014, Thụy Sỹ đã ban hành quy định hạn chế về thù lao của Giám đốc điều hành. Kinh nghiệm của Thụy Sỹ là một ví dụ điển hình về quản trị doanh nghiệp theo định hướng quan điểm của cộng đồng sau sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, tháng 3/2013, Thụy Sĩ đã thực hiện bước đầu tiên đó là trưng cầu dân ý bằng phương thức bỏ phiếu về sáng kiến giải pháp xử lý vấn đề trên. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra thành công với 68% phiếu thu về. Sau đó, Hội đồng Liên bang bao gồm 07 thành viên đứng đầu của Chính phủ Thụy Sĩ đã xây dựng một dự thảo văn bản pháp lý dựa trên kết quả trưng cầu dân ý. Văn bản này đã được ban hành vào ngày 20/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Biểu đồ 1: Thụy Sĩ tăng cường quản trị cổ đông theo đánh giá của Doing Business
Nguồn: Báo cáo Doing Business, Ngân hàng Thế giới
Tại văn bản pháp lý nói trên, Thụy Sĩ đề ra hai cơ chế cơ bản điều chỉnh vấn đề thù lao của ban điều hành đó là: công khai và lấy phiếu xin ý kiến cổ đông.
Công khai thông tin về thù lao của ban điều hành
Theo đó, HĐQT phải công bố báo cáo thường niên về các khoản thù lao trực tiếp hoặc gián tiếp của doanh nghiệp dành cho các thành viên của HĐQT, Giám đốc điều hành và Hội đồng cố vấn, đồng thời, báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng phải có thêm phụ lục về thù lao của các thành viên trên. Các khoản phải công bố bao gồm tiền thù lao, lương, thưởng, phần phân chia lợi nhuận và các loại lợi ích khác. Đồng thời, bản công bố thù lao này cũng phải được kiểm toán để đảm bảo tính xác thực.
Mục đích của quy định trên là nhằm minh bạch hóa thông tin, đồng thời, hạn chế tình trạng tiêu cực liên quan đến thù lao điều hành doanh nghiệp. Trên thực tế, cổ đông ít khi đọc hết tất cả những thông tin họ được cung cấp trước khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc khi tham gia tại một cuộc họp cổ đông. Do vậy, mục đích của quy định trên phần nhiều là để định hướng quyết định của những người liên quan, hạn chế vụ lợi, vì họ hiểu rằng thông tin về thù lao của họ rồi sẽ phải công bố công khai sau đó.
Nên quy định doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo thông tin về thù lao với cơ quan có thẩm quyền hay công bố công khai cho cộng đồng cũng là vấn đề cần phải xem xét. Công bố thông tin công khai ra cộng đồng là vấn đề liên quan đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, còn nếu chỉ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền thì vấn đề của doanh nghiệp chỉ là đảm bảo tính chính xác và tránh bị xử phạt. Mỗi phương án trên đều có ý nghĩa thực tiễn riêng. Trong một số trường hợp, nên yêu cầu doanh nghiệp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền; ví dụ, đối với những báo cáo tài chính phức tạp thì cần phải được thẩm định bởi các chuyên gia. Đối với những trường hợp khác thì nên yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin công khai ra cộng đồng hoặc các cổ đông hơn là với cơ quan chức năng. Bởi vì, cơ quan chức năng thì chỉ quan tâm đến tính chính xác của các con số và rằng bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp có phù hợp với tiêu chuẩn kế toán hiện hành hay không, còn các cổ đông thì có thể nhận ra tình trạng vụ lợi trong thù lao cao quá mức của ban điều hành. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, Thụy Sĩ đã lựa chọn cách là yêu cầu doanh nghiệp công bố công khai ra cộng đồng.
Lấy phiếu xin ý kiến cổ đông
Bên cạnh việc công khai thông tin, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và nâng cao quyền kiểm soát của cổ đông, Thụy Sĩ áp dụng cơ chế “say on pay”, tức là lấy phiếu xin ý kiến của các cổ đông đối với mức thù lao chi trả cho ban điều hành. Quyết định sẽ được thông qua nếu nhận được đa số phiếu đồng ý từ các cổ đông. Tương tự như việc công bố thông tin, việc đề cao tiếng nói của các cổ đông ở đây cũng là một công cụ để điều chỉnh quyết định của doanh nghiệp. Khi những người trong cuộc hiểu rằng quyết định của họ cần phải được sự nhất trí của các cổ đông thì họ sẽ phải chủ động thay đổi cách thức cũng như nội dung để đảm bảo quyết định mà họ đưa ra là phù hợp với kỳ vọng chung.
Hai năm kể từ khi văn bản pháp lý trên có hiệu lực, tất cả các doanh nghiệp niêm yết ở Thụy Sĩ đều đã tuân thủ quy định về thù lao quản lý điều hành và không có sự việc nghiêm trọng nào xảy ra. Kết quả đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp đều đã chủ động điều chỉnh hành vi để tránh sự phản bác của các cổ đông, và đến nay, quyết định của các doanh nghiệp đều được các cổ đông nhất trí ủng hộ.
Quy định trên đã có tác động tích cực đến mức độ tham gia của cổ đông trong việc ra quyết định của doanh nghiệp. Theo một kết quả điều tra năm 2014 của Swiss Proxy Advisor[6] – một tổ chức tư vấn độc lập của Thụy Sĩ, tỷ lệ tham gia thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông đã tăng từ 62,9% lên 86,1%, trong đó có 13,9% chỉ thực hiện quyền biểu quyết liên quan đến mức thù lao quản lý điều hành của doanh nghiệp. Cùng với đó, tác động của cơ chế này cũng được đánh giá là tích cực, theo đó, những người điều hành doanh nghiệp không cảm thấy bị trở ngại gì và các cổ đông thì trở nên có trách nhiệm hơn với những quyết định của doanh nghiệp. Như vậy, sự thay đổi mà việc tăng cường quyền của cổ đông đã mang lại đó là nâng cao trách nhiệm giải trình của người quản lý, điều hành doanh nghiệp và đề cao vai trò của cổ đông trong việc ra những quyết định quan trọng của doanh nghiệp; nhờ đó, tạo nên niềm tin và sự tự tin – yếu tố quan trọng của thị trường hối đoái Thụy Sĩ cũng như bất cứ thị trường vốn nào khác.
2. Kinh nghiệm của Ấn Độ
Khác với Thụy Sĩ, thay vì chỉ tập trung giải quyết riêng vấn đề về thù lao quản lý điều hành, Ấn Độ đã thực hiện việc rà soát, sửa đổi lại toàn bộ Luật Doanh nghiệp năm 1956 và các nguyên tắc cơ bản về thành lập, sở hữu, quản lý, phục hồi và đóng cửa doanh nghiệp.
Ấn Độ đã đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Doanh nghiệp mới và dành đến hàng năm để xây dựng dự thảo luật, xin ý kiến và chỉnh sửa bản thảo này. Được bắt đầu xây dựng từ năm 2004, trình lên Nghị viện năm 2012, thông qua bởi Thượng nghị viện vào tháng 8/2013 và sau đó không lâu, ngày 29/8/2013, Luật này đã được phê chuẩn bởi Tổng thống Ấn Độ. Theo quy định của luật pháp Ấn Độ thì Bộ Doanh nghiệp (Ministry of Corporate Affairs) thông báo thời gian bắt đầu có hiệu lực đối với từng phần của văn bản luật này. Tháng 9/2013, Bộ Doanh nghiệp thông báo 98 Điều của đạo Luật này bắt đầu có hiệu lực; đợt thông báo thứ hai là vào tháng 4/2014. Tính đến tháng 6/2016, có 282 trên tổng số 470 Điều của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và 8 Điều bảo lưu của Luật Doanh nghiệp năm 1956 có hiệu lực thi hành. Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp mới năm 2013, Ấn Độ đã cải thiện đáng kể điểm số của 03 chỉ số thành phần thuộc Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Ấn Độ cải thiện chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư sau khi ban hành
Luật Doanh nghiệp năm 2013
Nguồn: Báo cáo Doing Business, Ngân hàng Thế giới
Việc cải cách Luật Doanh nghiệp năm 1956 của Ấn Độ là nhằm đạt được 04 mục tiêu: (i) đơn giản hóa, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, (ii) minh bạch hóa hoạt động cũng như quy trình ra quyết định của doanh nghiệp, (iii) nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Ấn Độ thông qua việc chuẩn hóa các yêu cầu về năng lực giải trình và quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu; (iv) tiếp tục cải thiện tất cả các mục tiêu trên nhưng vẫn đảm bảo đóng góp của doanh nghiệp cho sự thịnh vượng chung trong bối cảnh sự mất cân bằng về dân số và thu nhập đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2013 đã bãi bỏ yêu cầu về vốn tối thiểu; tăng cường các yêu cầu về công bố thông tin; bổ sung quy định yêu cầu công khai thu nhập của ban điều hành, bắt buộc phải có 1/3 số lượng thành viên HĐQT là thành viên độc lập[7] và ít nhất một thành viên HĐQT là phụ nữ; và đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp dành 2% lợi nhuận ròng để đầu tư cho các dự án trách nhiệm xã hội (theo quy định của Luật này, dự án trách nhiệm xã hội là các hoạt động liên quan đến xóa đói giảm nghèo, giáo dục, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, sức khỏe và bảo vệ môi trường), những doanh nghiệp không thực hiện được mục tiêu này sẽ phải giải trình lý do tại báo cáo thường niên của doanh nghiệp. Kết quả là, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới có sự lượng hóa và luật hóa yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
3. Kinh nghiệm của một số quốc gia khác
Cộng hòa Dominican lựa chọn cách tiếp cận tương tự với Thụy Sĩ, đó là chỉ sửa đổi quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp có phát hành cổ phiếu ra cộng đồng. Trong số những thay đổi của Luật Thị trường chứng khoán (Regulations of the Security Martket Law), nước này có quy định cho phép cổ đông thiểu số yêu cầu tổ chức cuộc họp bất thường và bắt buộc phải có kiểm toán độc lập đánh giá báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp niêm yết.
Ecuador và Kazakhstan thì lại ban hành một văn bản pháp luật sửa đổi một số văn bản pháp luật khác. Ví dụ, Luật Tăng cường và Tối ưu hóa Khu vực doanh nghiệp và Thị trường chứng khoán năm 2014 của Ecuador (Eucuador’s 2014 Law to Strengthen and Optimize the Corporate Sector and the Stock Market) đã được ban hành với những quy định sửa đổi liên quan đến Luật Thị trường chứng khoán, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tài chính và Luật Tố tụng dân sự. Đạo luật mới này cũng đã quy định về quyền rút lui của cổ đông thiểu số khi doanh nghiệp bị chuyển nhượng, cụ thể là nếu đa số cổ phần của doanh nghiệp được mua lại bởi một nhà đầu tư mới thì người này phải chào mua cổ phiếu của tất cả các cổ đông còn lại.
Để quản lý mức thù lao điều hành ở các doanh nghiệp niêm yết, Hàn Quốc đã ban hành Luật Kinh doanh Đầu tư Tài chính và Thị trường vốn năm 2013 với điểm thay đổi nổi bật là yêu cầu công khai thu nhập cá nhân của người điều hành doanh nghiệp.
4. Bài học rút ra
Xây dựng khung khổ pháp lý tốt về quản trị doanh nghiệp là một yêu cầu quan trọng; đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà đòi hỏi phải có tính chuyên môn và tính kỹ thuật cao. Quy định pháp lý về quản trị doanh nghiệp không có tác động ngay tức thì như quy định về thành lập doanh nghiệp hay nghĩa vụ thuế, tuy nhiên, có tác động đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế mà trước tiên là củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
III. SO SÁNH KHUNG KHỔ PHÁP LÝ VỀ QTDN CỦA VIỆT NAM VỚI QUY CHUẨN QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
1. Thứ hạng Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam
Tại Báo cáo Doing Business 2018, Việt Nam đứng thứ 81/190 nền kinh tế về Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số, tăng 06 bậc so với thứ hạng tại Báo cáo Doing Business 2017, tuy nhiên điểm số của Chỉ số này vẫn giữ nguyên ở mức 55/100 điểm.
Bảng 2 cho thấy Việt Nam còn cần phải cải thiện nhiều về Mức độ quản lý xung đột lợi ích để đạt được bằng mức trung bình của các nước thu nhập cao OECD cũng như các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương; về chỉ số Quản trị cổ đông, hiện tại, Việt Nam đạt điểm số cao hơn tương đối nhiều so với trung bình của các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương, thậm chí cao hơn trung bình của các nước thu nhập cao khu vực OECD
Bảng 3 dưới đây cho thấy những chỉ số thành phần mà Việt Nam cần phải cải thiện nhiều nhất là về Mức độ trách nhiệm của người quản lý (điểm 4/10), Mức độ dễ dàng khi cổ đông khởi kiện người quản lý (điểm 2/10) và Cơ cấu sở hữu và kiểm soát (điểm 6/10).
Tại Báo cáo Doing Business 2018, Kazakhstan đứng thứ nhất về Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số với 8.5/10 điểm. Thông qua việc so sánh sự khác nhau giữa quy định pháp lý của Việt Nam và Kazakhstan, Bảng 3 đồng thời cũng cho thấy rõ hơn những thay đổi về pháp lý mà nước ta cần thực hiện để tiến đến gần hơn với điểm tới hạn về Chỉ số này.
2. Khuyến nghị một số thay đổi pháp lý cần thực hiện để cải thiện Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số
Trên cơ sở đánh giá và so sánh quy định pháp lý về bảo vệ cổ đông thiểu số với quy chuẩn quốc tế, có thể rút ra một số thay đổi pháp lý cần thực hiện để cải thiện mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số ở nước ta như sau:
- Đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014:
+ Sửa đổi quy định về thẩm quyền chấp thuận giao dịch với người có liên quan:
“Điều 162 (LDN 2014). Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.
3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác”.
Theo quy định trên, hợp đồng, giao dịch với người có liên quan có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐQT. Tuy nhiên, 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là một tỷ lệ lớn, hơn nữa, đây là giao dịch với người có liên quan, vậy nên việc trao quyền chấp thuận cho HĐQT là chưa đảm bảo việc bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số. Theo tiêu chuẩn do WB đưa ra, tỷ lệ này là 10%. Đối với những hợp đồng/giao dịch có giá trị từ 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp trở lên phải thuộc quyền quyết định chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Do vậy, kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau: “Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 10% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty…”.
+ Sửa đổi quy định về mức độ chịu trách nhiệm của người quản lý:
Khoản 4 Điều 162 (LDN 2014): “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
Theo quy định trên thì cổ đông chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng, giao dịch được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có yếu tố phạm tội hoặc cố ý sơ suất gây thiệt hại; hơn nữa, cổ đông chỉ có thể yêu cầu người quản lý có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh, các thành viên khác không phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt. Về nguyên tắc, người quản lý doanh nghiệp/doanh nghiệp phải làm việc/hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông, quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất; do vậy, khi hợp đồng, giao dịch gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cổ đông, cổ đông có quyền yêu cầu bộ phận ra quyết định chấp thuận hợp đồng, giao dịch đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, khi có khởi kiện của cổ đông, cũng cần trao quyền cho Tòa án phán xử đối với hợp đồng, giao dịch đã được thông qua theo đúng quy định của pháp luật nhưng được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty.
Để đảm bảo các nguyên tắc trên, nên xem xét sửa đổi khoản 4 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc nếu bị cổ đông khởi kiện và được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty. Nếu hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quy định này và/hoặc gây thiệt hại cho công ty hoặc quyền lợi của các cổ đông khác, cổ đông có quyền yêu cầu người chấp thuận, ký kết hợp đồng và cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
+ Sửa đổi quy định về khởi kiện người quản lý:
Khoản 2 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014: “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện”.
Liên quan đến chi phí khởi kiện người quản lý, WB đánh giá cao nhất khi cổ đông được hỗ trợ chi phí khởi kiện trong mọi trường hợp (kể cả khi khởi kiện không thành công). Do vậy, nên xem xét sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau: “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty”.
+ Sửa đổi quy định về việc kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO:
Có nên cho phép Chủ tịch HĐQT của một công ty đồng thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hànhcông ty hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Về bản chất, trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT và CEO là khác nhau, do đó, cần có quy định điều chỉnh khác nhau. Bên cạnh đó, nếu kết hợp vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO có thể sẽ gây sự tập trung quyền lực ngoài ý muốn. Tuy vậy, luồng ý kiến trái chiều cho rằng việc người nắm quyền sở hữu (Chủ tịch HĐQT) đồng thời thực hiện công tác quản lý doanh nghiệp (kiêm CEO) sẽ khiến người này toàn tâm toàn ý bảo vệ lợi ích của cổ đông, thực hiện tốt công tác quản trị và việc giám sát ban điều hành; hơn nữa, việc kiêm nhiệm hai chức danh này giúp tăng hiệu quả trong kết nối giữa hoạch định và triển khai chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cấm việc kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch HĐQT và CEO (quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 121/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng), tuy nhiên, WB có quan điểm ngược lại. Đối với vấn đề này, trong quá trình sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục có sự xem xét kỹ lưỡng hơn trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai để áp dụng quy định phù hợp.
+ Sửa đổi quy định liên quan đến tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp:
Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông”.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp 2014 là“cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng”.
Tỷ lệ 10% là quá lớn, thêm vào đó, việc phải thỏa mãn điều kiện về thời gian sở hữu “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” là “làm khó” cổ đông thiểu số trong việc thực hiện quyền của họ, và trong trường hợp này, là làm giảm tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Theo WB, giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông để được quyền đề xuất vấn đề đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là 5%. Do đó, nên xem xét sửa đổi tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2014 theo thông lệ quốc tế tốt (5%), đồng thời bỏ yêu cầu về thời gian sở hữu.
- Đề xuất sửa đổi Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng:
+ Sửa đổi quy định liên quan đến mức độ công khai hóa thông tin về giao dịch với người có liên quan:
- Để đảm bảo tính minh bạch thông tin, tránh vụ lợi trong các giao dịch với người có liên quan, thành viên HĐQT và các thành viên thực hiện công tác quản lý, điều hành khác phải có trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin về giao dịch cũng như các xung đột lợi ích; điều này cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn mà WB đưa ra về quản trị doanh nghiệp tốt. Do vậy, cần bổ sung quy định tại Điều 28 Thông tư số 121/TT-BTC như sau:
“Điều 28. Trách nhiệm về báo cáo và công bố thông tin của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành
Ngoài các trách nhiệm theo quy định tại Điều 23 Thông tư này, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành có trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin về giao dịch và các lợi ích liên quan trong các trường hợp sau:
1. Các giao dịch giữa công ty với công ty mà các thành viên nêu trên là thành viên sáng lập hoặc là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành trong thời gian ba (03) năm trước.
2. Các giao dịch giữa công ty với công ty trong đó người liên quan của các thành viên nêu trên là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành hoặc cổ đông lớn”.
3. Các giao dịch có thể mang lại lợi ích vật chất hoặc phi vật chất đối với các thành viên nêu trên.
- Khuyến nghị bổ sung quy định về việc cơ quan độc lập kiểm tra các điều khoản của giao dịch với người có liên quan trước khi giao dịch đó được thực hiện để đảm bảo không có sự vụ lợi, lạm quyền trong thỏa thuận giao dịch, cụ thể, bổ sung quy định tại Điều 24 Thông tư số 121/TT-BTC như sau:
“Điều 24. Giao dịch với người có liên quan
1. Khi tiến hành giao dịch với những người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện. Nội dung hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể và công bố thông tin cho cổ đông khi có yêu cầu.
2. Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty và gây tổn hại cho lợi ích của công ty thông qua việc kiểm soát các kênh mua, bán hàng hoá của công ty hay lũng đoạn giá cả.
3. Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty. Công ty đại chúng không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các cổ đông và những người có liên quan.
4. Trước khi giao dịch được ký kết, các điều khoản của giao dịch phải được kiểm tra bởi một cơ quan độc lập”.
+ Sửa đổi quy định liên quan đến tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp:
Theo tiêu chuẩn WB đưa ra, các thông tin chi tiết về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến cổ đông 21 ngày trước khi diễn ra cuộc họp, mục đích là nhằm đảm bảo tính minh bạch, cung cấp thời gian đủ dài để cổ đông thu thập thông tin hoặc chuẩn bị ý kiến đối với các vấn đề của cuộc họp.
Để phù hợp với tiêu chuẩn này, bổ sung quy định sau tại Điều 6 Thông tư số 121/TT-BTC:
“Thông tin chi tiết về cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên phải được gửi đến các cổ đông trước ngày diễn ra cuộc họp ít nhất là 21 ngày. Các thông tin cần thông báo bao gồm: thời gian dự kiến diễn ra cuộc họp, dự thảo chương trình nghị sự của cuộc họp”.
- Điểm số của các Chỉ số nếu các khuyến nghị trên được thực hiện:
Trên đây là khuyến nghị về một số thay đổi pháp lý hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần phải có sự cân nhắc quá lớn. Nếu những thay đổi trên được thực hiện, điểm số Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam sẽ được nâng lên 6,8/10 điểm, đặc biệt, riêng Chỉ số về Mức độ minh bạch trong quản trị doanh nghiệp sẽ đạt được điểm tối đa là 10 điểm. Với mức điểm này, chúng ta thậm chí có thể đạt kết quả tốt hơn chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Lê Thị Xuân Huế
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
[1] Theo G20/OECD Principles of Corporate Governence,
[2] Theo Asker and others 2015, Claessens 2006, Klapper and Love 2004, Kutan 2015.
[3] Theo quy định tại khoản 17, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014,Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty; b) Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty; c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp;d) Người quản lý doanh nghiệp; đ) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; e) Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này; g) Doanh nghiệp trong đó những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó; h) Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty; e) Quan hệ hợp đồng trong đó một người là đại diện cho người kia.
[4] Tham khảo thêm tại bài “Going beyond related-party transactions”, Doing Business 2015.
[5] Pha loãng cổ phiếu là việc phát hành thứ cấp thêm cổ phiếu phổ thông của một công ty cổ phần dưới nhiều hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật. Pha loãng cổ phiếu sẽ làm cho: Thu nhập trên đầu cổ phiếu giảm xuống do số lượng cổ phiếu tăng lên;Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu bị thay đổi (số phần trăm sở hữu hay quyền bỏ phiếu của các cổ đông hiện hữu giảm xuống);Giá trị đơn vị cổ phiếu bị tăng lên hoặc giảm xuống căn cứ vào giá phát hành đợt cổ phiếu mới.
[6] Website: http://swipra.ch/?lang=en
[7] Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư số 121/TT-BTC, Thành viên HĐQT độc lập là thành viên HĐQT đáp ứng các điều kiện sau: Là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành và không phải là người có liên quan với Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được Hội đồng quản trị bổ nhiệm; Không phải là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) của các công ty con, công ty liên kết, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát; Không phải là cổ đông lớn hoặc người đại diện của cổ đông lớn hoặc người có liên quan của cổ đông lớn của công ty; Không làm việc tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán cho công ty trong hai (02) năm gần nhất; Không phải là đối tác hoặc người liên quan của đối tác có giá trị giao dịch hàng năm với công ty chiếm từ ba mươi phần trăm (30%) trở lên tổng doanh thu hoặc tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào của công ty trong hai (02) năm gần nhất.