Câu hỏi 14: Xin cho biết thế nào là tăng vốn điều lệ và các hình thức cơ bản để tăng vốn điều lệ đối với công ty cổ phần là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, để tăng vốn điều lệ, công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động.
Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
b) Chào bán cổ phần riêng lẻ.
c) Chào bán ra công chúng;
Việc chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
Câu hỏi 15: Xin cho biết khái niệm cũng như trình tự, thủ tục cơ bản của việc tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ?
Trả lời:
a) Về khái niệm
Luật Doanh nghiệp không có định nghĩa hay giải thích từ ngữ thế nào là chào bán cổ phần riêng lẻ. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán quy định: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”.
b) Về trình tự, thủ tục
Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể các bước thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ như sau:
- Công ty thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ và Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh
- Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần
Câu hỏi 16: Vui lòng cho biết khái niệm cũng như trình tự, thủ tục cơ bản của việc tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu?
Trả lời:
a) Về khái niệm
Luật Doanh nghiệp quy định: “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty”.
Như vậy, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được xác định là việc: (1)Công ty chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu và (2) chào bán theo tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông hiện hữu tại công ty.
b) Về trình tự, thủ tục
Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể các bước thực hiện việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu như sau:
- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;
- Thông báo phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;
- Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
- Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại đó cho cổ đông của công ty hoặc người khác theo cách thức hợp lý với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc cổ phần được bán qua Sở giao dịch chứng khoán.
c) Một số lưu ý khi thực hiện việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Cổ đông công ty có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác không phải là cổ đông công ty.
Về thời điểm hoàn thành việc bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể. Theo đó, cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Doanh nghiệp được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
Bên cạnh đó, sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua. Công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu. Trường hợp này, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Doanh nghiệp này được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.
Câu hỏi 17: Vui lòng cho biết quyền của cổ đông phổ thông được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp thì Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:
a) Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;
e) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
g) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
h) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Câu hỏi 18: Xin cho biết quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;
c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Đỗ Trung Kiên
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh