MỘT SỐ BẤT CẬP CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ

Thứ ba, 29/05/2018 09:42 GMT+7
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ dẫn tới việc ra đời nhiều hình thức kinh tế mới, trong đó, nổi bật là “Kinh tế chia sẻ”, một mô hình đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam nhưng các công cụ quản lý còn thiếu và vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế.

1. Mô hình kinh tế chia sẻ là gì?

“Kinh tế chia sẻ” (KTCS) là thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành mô hình kinh doanh. Theo đó, mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng – đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Việc chia sẻ tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phổ biến toàn thế giới.

Tại Việt Nam, loại hình dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ đang mở rộng quy mô với các tên tuổi nước ngoài là dịch vụ vận tải trực tuyến, như: Uber, Grab và dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb, cùng với đó là dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.

2. Bất cập chính sách đối với doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo mô hình KTCS hiện nay

Sự phát triển của KTCS đã bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mà khung khổ pháp lý hiện hành còn chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Các loại hình dịch vụ dựa trên mô hình KTCS hiện nay chủ yếu mang tính tự phát của một số doanh nghiệp có chung mối liên kết trong kinh doanh. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử... và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay chưa có khái niệm và các quy định liên quan đến mô hình KTCS. Do đó, chưa có căn cứ để xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc trong việc thống kê chính xác số lượng các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS và kiểm soát chất lượng dịch vụ; kiểm soát các nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này đối với nhà nước, xã hội cũng như những người tham gia như nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm cho người lao động...

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, các hoạt động của những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS như Uber, Grab tại Việt Nam cũng chỉ mới ở mức thí điểm, với thời gian thí điểm theo giai đoạn ngắn. Việc xác định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở để các cơ quan quản lý chuyên ngành xác định điều kiện kinh doanh (nếu có) và các nghĩa vụ về thuế... của doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. 

3. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS tại Việt Nam thời gian tới

- Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và quản lý đối với mô hình KTCS tại Việt Nam nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để KTCS phát triển, đồng thời đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống, tương tự như quy định về Doanh nghiệp xã hội tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

- KTCS là vấn đề mới đối với nước ta, liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành nên cần được nghiên cứu kỹ, trong đó có việc xác định phạm vi, loại hình và hình thức hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS. Đồng thời, phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh này. Bởi lẽ, nếu không phân định rõ trách nhiệm và có các biện pháp cụ thể để quản lý mô hình kinh doanh mới này, thì sự phát triển nhanh chóng của nó có thể đưa tới những biến thể sai lệch tại Việt Nam như đã từng diễn ra đối với loại hình kinh doanh đa cấp.

Võ Huy Hùng

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Lượt xem: 2045

X

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Thông tin hỗ trợ
Hộp thư hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, bố cáo điện tử, thanh toán điện tử
Hộp thư tiếp nhận phản ánh về đăng ký doanh nghiệp