Điều kiện kinh doanh là những yêu cầu nhà nước đặt ra buộc các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng được khi thực hiện kinh doanh trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây được coi là công cụ quản lý nền kinh tế, là nội dung không thể thiếu ở mọi quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế và môi trường pháp lý riêng của quốc gia mình. Việc tìm hiểu pháp luật về điều kiện kinh doanh của các quốc gia trên thế giới là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng pháp luật về nội dung này ở Việt Nam.
Các quy định tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, các quy định về điều kiện kinh doanh được nhà nước này quan tâm rất sát sao, đưa ra nhiều quy định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại các đạo Luật có hiệu lực cao như: Luật Công ty năm 2005, Luật Cấp phép kinh doanh năm 2004 và các đạo luật chuyên ngành khác. Nhìn chung các điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc cũng thể hiện ở hình thức văn bản chấp thuận hay điều kiện kinh doanh không cần văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khác với ở nước ta. Doanh nghiệp Trung Quốc phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh cả trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cả sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải xin chấp thuận của cơ quan nhà nước về:
- Tên của doanh nghiệp: Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, bước đầu tiên để bắt đầu một doanh nghiệp ở quốc gia này là việc chọn tên cho doanh nghiệp. Chủ thể kinh doanh phải nộp đơn xin chấp thuận của Cục quản lý Công nghiệp và Thương mại địa phương (AIC) về tên doanh nghiệp. Chỉ khi được cơ quan này có văn bản chấp nhận tên doanh nghiệp thì chủ thể kinh doanh đó mới được tiến hành các hành vi đăng ký kinh doanh tiếp theo.
- Vốn pháp định: Pháp luật Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp muốn được khai sinh và công nhận sự ra đời một cách hợp pháp thì phải đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu theo từng loại hình công ty. Theo Luật Công ty năm 2005 của Trung Quốc, để thành lập một công ty TNHH 1 thành viên, doanh nghiệp phải có ít nhất 100.000 nhân dân tệ, để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên, doanh nghiệp phải có ít nhất 30.000 nhân dân tệ và thành lập công ty cổ phần doanh nghiệp phải có ít nhất 5.000.000 nhân dân tệ.
Theo quy định này, doanh nghiệp sau khi được sự chấp thuận của AIC về tên doanh nghiệp, sẽ chủ động mở tài khoản ngân hàng, nộp tiền góp vốn ban đầu vào tài khoản đó và yêu cầu ngân hàng xác nhận. Nếu việc góp vốn ban đầu không bằng tiền mặt, mà bằng tài sản thì chủ thể góp vốn phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty và giá trị tài sản phải được thẩm định một cách hợp pháp. Trong một số trường hợp doanh nghiệp phải có báo cáo thẩm tra vốn từ cơ quan kiểm toán. Đây là tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Vốn pháp định ở Trung Quốc không nhất thiết phải góp đủ ở thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà có thời gian tối đa để thực hiện việc góp vốn này.
Khi thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định phải xin phép hoạt động với cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực mà doanh nghiệp đó kinh doanh. Đầu tiên phải kể đến hệ thống cấp phép, bao gồm:
- Giấy phép kinh doanh tạm thời: Đây là giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời gian doanh nghiệp chờ đợi góp đầy đủ vốn pháp định. Vốn pháp định được góp đầy đủ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, khi doanh nghiệp đã đủ vốn pháp định, thời gian ở Giấy phép kinh doanh sẽ được điều chỉnh theo thời gian hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
- Giấy phép kinh doanh bắt buộc: Đây là yêu cầu bắt buộc phải có ở Trung Quốc gắn liền với một số ngành nghề nhất định như: xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc, khám chữa bệnh… Thông thường mục đích của việc cấp Giấy phép kinh doanh là để chứng nhận doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, quy định thời gian được phép kinh doanh, phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, việc cấp Giấy phép kinh doanh ở Trung Quốc rất phức tạp, cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu và đối với các nhà đầu tư nước ngoài việc cấp phép kinh doanh sẽ khó khăn hơn nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp ở Trung Quốc còn phải thông qua nhiều sự chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền.
Vũ Đức Vinh