Hệ thống pháp luật Singapore đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều của pháp luật Anh (trừ những nội dung mang tính địa phương) và được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ đem lại hiệu quả cao đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ thể khi muốn thành lập doanh nghiệp thì nộp hồ sơ thông báo đến cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kinh doanh, đó là Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp của Singapore (ACRA). Thủ tục này có thể được thực hiện hoàn toàn qua hệ thống đăng ký trực tuyến của ACRA.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, để thực hiện việc đảm bảo lợi ích nền kinh tế và yêu cầu của quá trình quản lý nhà nước, bên cạnh cơ chế đăng ký thành lập, Singapore đặt ra quy định về điều kiện kinh doanh trong một số những ngành nghề nhất định ví dụ: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khám chữa bệnh, giao thông vận tải và lưu trữ, xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh khách sạn, nhà trọ, hoạt động trong ngành giải trí… Theo pháp luật Singapore, để có thể đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện kinh doanh trong một số ngành nghề cụ thể, doanh nghiệp phải được cấp giấy phép hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tại Singapore có 3 loại giấy phép phổ biến, đó là:
- Giấy phép bắt buộc:
Đây là loại giấy phép cấp cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp mà chỉ một số loại hình doanh nghiệp nhất định đòi hỏi phải có giấy phép đặc biệt này trước khi họ có thể hoạt động. Ví dụ như: Trường tư, các công ty sản xuất video, công ty du lịch, các nhà phân phối rượu, người cho vay, các ngân hàng và các trung tâm chăm sóc trẻ em… Chủ thể kinh doanh sẽ cần phải có giấy phép này khi đăng ký kinh doanh với ACRA.
Hay nói cách khác, doanh nghiệp phải có giấy phép này thì mới được đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, có thể mất từ 14 ngày đến 2 tháng để có được tất cả các giấy phép cần thiết, để thành lập doanh nghiệp. Điều đặc biệt, pháp luật Singapore tạo điều kiện tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho các chủ thể kinh doanh bằng cách cho phép họ có thể đăng ký kinh doanh và nộp đơn xin giấy phép bắt buộc cùng một lúc bằng cách sử dụng dịch vụ cấp GPKD trực tuyến (OBLS).
- Giấy phép nghề nghiệp:
Một cá nhân muốn hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp (ví dụ như: dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ pháp lý…), phải có giấy phép nghề nghiệp. Loại giấy phép này không cấp cho doanh nghiệp mà cấp cho cá nhân là người quản lý doanh nghiệp hoặc các nhân viên của doanh nghiệp đó. Những ngành phổ biến, yêu cầu phải có giấy phép nghề nghiệp ở Singapore đó là: bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư, kế toán… Giấy phép này sẽ được cấp bởi các tổ chức nghề nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý tương ứng.
- Giấy phép hoạt động kinh doanh:
Sau khi được thành lập, đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh như: dựng biển quảng cáo trên cơ sở của doanh nghiệp, thuê lao động nước ngoài, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, buôn bán những hàng hóa bị kiểm soát như rượu, thuốc lá… doanh nghiệp chỉ được thực hiện hoạt động đó khi được cấp giấy phép hoặc được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ: Khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu, bắt buộc phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu qua TradeNet® - trang thông tin quản lý của Hải quan Singapore. Họ sẽ phải kích hoạt tài khoản hải quan của mình trước khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Hoặc khi doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động quảng cáo, nếu như là quảng cáo ngoài trời thì cần phải xin giấy phép xây dựng của Cơ quan quản lý xây dựng BCA; nếu là quảng cáo các sản phẩm y tế thì cần phải xin giấy phép của Cơ quan khoa học y tế HAS…
Các điều kiện kinh doanh đều được Chính phủ Singapore công khai trên các trang thông tin điện tử chính thức, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ cấp phép EnterpriseOne kinh doanh trực tuyến (OBLS) để thực hiện việc xin những giấy phép cần thiết trong thành lập và hoạt động. Điều này rất hữu ích, các doanh nghiệp không phải mất thời gian để đến trực tiếp gặp các cơ quan có thẩm quyền.
Vũ Đức Vinh