Ngày 20/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Mục đích của việc cho thuê lại lao động là nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Việc sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được nêu rõ như sau: tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
Doanh nghiệp cho thuê thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật. Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động sau khi doanh nghiệp cho thuê hoàn thành thủ tục ký quỹ. Trường hợp thay đổi một trong các thông tin trên giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động, gồm: Tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; số tài khoản ký quỹ thì doanh nghiệp cho thuê gửi văn bản đề nghị và các tài liệu chứng minh việc thay đổi thông tin tới ngân hàng nhận ký quỹ để thay đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong 5 trường hợp sau:
- Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày đến thời hạn thanh toán.
- Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến hạn bồi thường.
- Doanh nghiệp không được cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp cho thuê bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép.
- Doanh nghiệp cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định việc trích tiền ký quỹ khi doanh nghiệp cho thuê không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động cho thuê lại. Cụ thể, trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại trong trường hợp sau 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh toán mà doanh nghiệp không thực hiện thanh toán và không có văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ để thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và yêu cầu doanh nghiệp cho thuê báo cáo danh sách người lao động thuê lại, số tiền chưa được thanh toán, bồi thường của từng người. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp cho thuê phải hoàn thành việc báo cáo nêu trên. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thực hiện chi trả theo quy định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc trích tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp và trực tiếp chi trả theo phương án và danh sách theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện thanh toán, bồi thường cho người lao động thuê lại và báo cáo kết quả thực hiện về UBND cấp tỉnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2019.
Lê Thị Diễm Quỳnh