THÔNG TIN TÌNH HÌNH DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TUẦN 26/2024 (Từ ngày 24/6 - 28/6/2024)
1. Tình hình chung của cả nước
Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bức tranh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tuần thứ 26 của năm 2024 ghi nhận một số tín hiệu khả quan so với tuần trước đó. Đặc biệt là về số vốn và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, cụ thể: Số vốn đăng ký tăng mạnh 46,7%, đạt 38.015 tỷ đồng; số lao động tăng 12,8% với 24.121 người. Đồng thời, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giảm 12,7% so với tuần trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đang có sự sụt giảm nhưng không đáng kể, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,0% (3.502 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,7% (422 doanh nghiệp). Mặc dù vậy, số doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lại có xu hướng tăng trong tuần này, đặc biệt là số doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tăng đến 246,5%.
Số liệu thống kê về doanh nghiệp thành lập mới trong tuần 26/2024 so với tuần 25/2024 phân theo loại hình cho thấy: loại hình công ty TNHH 1 TV vẫn chiếm đa số với 2.441 doanh nghiệp (chiếm 69,7% và giảm 88 doanh nghiệp, giảm 3,5%); tiếp theo đó là các loại hình: công ty TNHH 2 thành viên trở lên có 563 doanh nghiệp (chiếm 16,1% và tăng 12 doanh nghiệp, tăng 2,2%); công ty cổ phần có 462 doanh nghiệp (chiếm 13,2% và tăng 42 doanh nghiệp, tăng 10,0%); doanh nghiệp tư nhân có 35 doanh nghiệp (chiếm 1,0% và giảm 03 doanh nghiệp, giảm 7,9%) và công ty hợp danh có 01 doanh nghiệp đăng ký mới (chiếm 0,03% và tăng 01 doanh nghiệp).
So với tuần trước đó, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phân theo vùng lãnh thổ trong tuần thứ 26 của năm 2024 có những thay đổi sau: có 3/6 vùng lãnh thổ có số tỷ lệ giảm là vùng Đồng bằng Sông Hồng giảm 5,5%, có 1.069 doanh nghiệp (chiếm 30,5% và giảm 62 doanh nghiệp); vùng Đông Nam Bộ là giảm 4,4%, có 1.490 doanh nghiệp (chiếm 42,5% và giảm 68 doanh nghiệp); vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 4,2%, có 227 doanh nghiệp (chiếm 6,5% và giảm 10 doanh nghiệp); các vùng còn lại là tăng so với tuần trước đó, cụ thể: vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 31,8%, có 207 doanh nghiệp (chiếm 5,9% và tăng 50 doanh nghiệp); vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 13,6%, có 433 doanh nghiệp (chiếm 12,4% và tăng 52 doanh nghiệp) và vùng Tây Nguyên tăng 2,7%, có 76 doanh nghiệp (chiếm 2,2% và tăng 02 doanh nghiệp).
Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tuần này tập trung chủ yếu ở các ngành như: ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 1.443 doanh nghiệp (chiến 41,2% và tăng 14 doanh nghiệp; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 440 doanh nghiệp (chiếm 12,6% và tăng 12 doanh nghiệp); ngành Xây dựng có 335 doanh nghiệp (chiếm 9,6% và tăng 01 doanh nghiệp); ngành Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 258 doanh nghiệp (chiếm 7,4% và giảm 21 doanh nghiệp);...
Về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong tuần 26/2024 có 09 ngành giảm so với tuần 25/2024, bao gồm: ngành Sản xuất phân phối điện, nước, ga có tỷ lệ giảm nhiều nhất là 41,0%; tiếp đến là ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 25,0%; ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 21,9%; ngành Giáo dục và đào tạo giảm 20,8%; ngành Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác giảm 7,5%; ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,1%; ngành Hoạt động dịch vụ khác giảm 2,4%; ngành Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 1,6% và ngành Thông tin và truyền thông giảm 0,9%. Các ngành còn lại (08/17) đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với tuần trước.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh