I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2019
Trong tháng 5/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 10.693 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 127.271 tỷ đồng, giảm 3,0% về số doanh nghiệp và tăng 21,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5 đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2019 là 88.116 người, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2019 trên cả nước là 2.461 doanh nghiệp, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 5/2019 là 2.326 doanh nghiệp, giảm 6,8% so với tháng 4/2019; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 13,9%.
Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong tháng 05/2019 là 2.404 doanh nghiệp, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 5/2019 là 2.089 doanh nghiệp, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 5/2019 là 1.066 doanh nghiệp, giảm 10,3% so với tháng 4/2019; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 27,8%.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2019
a) Tình hình doanh nghiệp thành lập mới
- Tình hình chung:
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 53.998 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 669.722 tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2019 là 537.180 lao động, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2019 là 1.657.086 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 669.722 tỷ đồng (tăng 3,3%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 987.364 tỷ đồng (tăng 9,4%) với 15.701 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2019 vẫn tập trung chủ yếu ở ngành “Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy” với 17.615 doanh nghiệp (chiếm 32,6%) và số vốn đăng ký là 50.793 tỷ đồng (chiếm 7,6%), giảm 0,8% về số doanh nghiệp và giảm 37,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; tiếp đến là ngành “Xây dựng” có 7.140 doanh nghiệp (chiếm 13,2%) với số vốn đăng ký là 79.053 tỷ đồng (chiếm 11,8%), tăng 0,2% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn. Ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất là “Khai khoáng” với 258 doanh nghiệp (chiếm 0,5%) và số vốn đăng ký là 5.602 tỷ đồng (chiếm 0,8%), giảm 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Phân theo nhóm ngành:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (bao gồm: Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, nước, gas; Xây dựng) là 14.722 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 184.175 tỷ đồng, chiếm 27,3% về số doanh nghiệp và 27,5% về số vốn đăng ký.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới của các ngành, nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ là 38.524 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 476.140 tỷ đồng, chiếm 71,3% về số doanh nghiệp và chiếm 71,1% về số vốn đăng ký.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 725 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 9.407 tỷ đồng, chiếm 1,4% về số doanh nghiệp và chiếm 1,4% về số vốn đăng ký.
- Phân theo địa bàn:
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 22.458 doanh nghiệp (chiếm 41,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 353.074 tỷ đồng (chiếm 52,7% cả nước), tăng 1,7% về số doanh nghiệp và tăng 50% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 17.103 doanh nghiệp (chiếm 31,7% cả nước) với số vốn đăng ký là 299.343 tỷ đồng (chiếm 44,7% cả nước), giảm 0,9% về số doanh nghiệp và tăng 56% về số vốn.
Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 16.468 doanh nghiệp (chiếm 30,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 167.751 tỷ đồng (chiếm 25,0% cả nước), tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 12,9% về số vốn. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 10.767 doanh nghiệp (chiếm 19,9% cả nước) với số vốn đăng ký là 106.961 tỷ đồng (chiếm 15,9% cả nước), tăng 8,4% về số doanh nghiệp và tăng 4,4% về số vốn đăng ký.
Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ tăng cao nhất về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký, cụ thể, có 1.396 doanh nghiệp (chiếm 2,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 15.885 tỷ đồng (chiếm 2,4% cả nước), tăng 7,3% về số doanh nghiệp và tăng 90,5% về số vốn.
Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, cụ thể, có 2.060 doanh nghiệp (chiếm 3,8% cả nước) với số vốn đăng ký là 24.454 tỷ đồng (chiếm 3,6% cả nước), giảm 7% về số doanh nghiệp và tăng 26,1% về số vốn.
- Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 48.003 doanh nghiệp (chiếm 88,8%) và ít nhất là ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng với 739 doanh nghiệp (chiếm 1,4%).
b) Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
- Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2019 là 19.646 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2018.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2019 tập trung ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (có 7.396 doanh nghiệp, chiếm 37,6% tổng số, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 3.015 doanh nghiệp, chiếm 15,3% tổng số, tăng 50,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.385 doanh nghiệp, chiếm 12,1%, tăng 32,7%). Trong số 17 lĩnh vực kinh doanh chính, duy nhất có ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm (có 311 doanh nghiệp, chiếm 1,6% tổng số, giảm 9,1%).
- Phân theo địa bàn, trong 5 tháng đầu năm 2019, tất cả các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ (7.183 doanh nghiệp, chiếm 36,6% cả nước, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2018); tiếp đó là vùng Đồng bằng Sông Hồng (6.415 doanh nghiệp, chiếm 32,6% cả nước, tăng 65,5%).
- Phân theo quy mô vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2019 vẫn tập trung chủ yếu ở quy mô vốn đăng ký từ 0-10 tỷ đồng với 17.509 doanh nghiệp (chiếm 89,9%). Quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có 262 doanh nghiệp quay lại hoạt động (chiếm 1,3%).
c) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2019 là 19.065 doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Phân theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy (có 7.162 doanh nghiệp, chiếm 40,5% tổng số, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 2.884 doanh nghiệp, chiếm 16,3% tổng số, tăng 18%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.209 doanh nghiệp, chiếm 12,5% tổng số, tăng 11,2%).
Phân theo địa bàn, Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ tăng về doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất (6.525 doanh nghiệp, chiếm 36,9% cả nước, tăng 23,9%); tiếp đến là Đông Nam Bộ (6.267 doanh nghiệp, chiếm 35,4% cả nước, tăng 22,8%).
d) Tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể
Trong 5 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 19.354 doanh nghiệp, giảm 58,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 9.522 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu triển khai từ năm 2018; 5.234 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 4.598 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
đ) Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Trong 5 tháng đầu năm 2019, có 16.144 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.
e) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2019 là 6.371 doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (2.548 doanh nghiệp, chiếm 39,9% tổng số, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2018); Công nghiệp chế biến, chế tạo (682 doanh nghiệp, chiếm 10,7% tổng số, giảm 1,2%); Xây dựng (có 624 doanh nghiệp, chiếm 9,8% tổng số, tăng 8,3%).
Lê Thị Thu Hải