I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 06/2019
- Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường:
Trong tháng 6/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 12.960 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 190.473 tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 44,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 đạt 14,7 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2019 là 111.824 người, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6/2019 trên cả nước là 2.137 doanh nghiệp, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường:
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 6/2019 là 2.351 doanh nghiệp, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể trong tháng 6/2019 là 2.931 doanh nghiệp, trong đó có 1.470 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 1.230 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 231 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế; tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2018, so với tháng 5/2019, tăng 40,3%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 6/2019 là 1.455 doanh nghiệp, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2018, so với tháng 5/2019 tăng 36,5%.
- Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký:
Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong tháng 06/2019 là 2.626 doanh nghiệp, giảm 40,4% so với cùng kỳ năm 2018.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 06 tháng đầu năm 2019
2.1. Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 06 tháng đầu năm 2019 là 88.575 doanh nghiệp (tăng 9,4% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 66.958 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 3,8%) và 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 31,4%). Trung bình mỗi tháng có 14.763 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp thành lập mới
- Tình hình chung:
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 66.958 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 860.195 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Biểu đồ dưới đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký trong 06 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao nhất so với 06 tháng đầu của các năm trong giai đoạn 2015 – 2019.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2019 là 649.004 lao động, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.170.523 tỷ đồng (tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 860.195 tỷ đồng (tăng 32,5%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 1.310.328 tỷ đồng (tăng 9,9%) với 19.677 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
So sánh theo quý, trong Quý II/2019, có 38.507 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 484.696 tỷ đồng, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 29,1% về số vốn so với Quý I/2019; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 2,0% về số doanh nghiệp và tăng 30,8% về số vốn đăng ký.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn tập trung chủ yếu ở ngành “Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy” với 21.855 doanh nghiệp (chiếm 32,6%) và số vốn đăng ký là 70.609 tỷ đồng (chiếm 8,2%), tăng 0,2% về số doanh nghiệp và giảm 26,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; tiếp đến là ngành “Xây dựng” có 8.711 doanh nghiệp (chiếm 13%) với số vốn đăng ký là 123.673 tỷ đồng (chiếm 14,4%), giảm 0,03% về số doanh nghiệp và tăng 35,6% về số vốn. Ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất là “Khai khoáng” với 327 doanh nghiệp (chiếm 0,5%) và số vốn đăng ký là 6.294 tỷ đồng (chiếm 0,7%), giảm 0,3% về số doanh nghiệp và tăng 20,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
“Kinh doanh bất động sản” có 4.014 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 06%) với số vốn đăng ký đạt cao nhất trong tất cả các ngành nghề kinh doanh chính là 280.121 tỷ đồng (chiếm 32,6%), tăng 22,1% về số doanh nghiệp và tăng 45,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Phân theo nhóm ngành:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (bao gồm: Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, nước, gas; Xây dựng) là 18.221 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 260.301 tỷ đồng, chiếm 27,2% về số doanh nghiệp và 30,3% về số vốn đăng ký.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới của các ngành, nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ là 47.777 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 588.009 tỷ đồng, chiếm 71,3% về số doanh nghiệp và chiếm 68,3% về số vốn đăng ký.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 960 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 11.882 tỷ đồng, chiếm 1,4% về số doanh nghiệp và chiếm 1,4% về số vốn đăng ký.
- Phân theo địa bàn:
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 27.917 doanh nghiệp (chiếm 41,7% cả nước) và số vốn đăng ký là 431.973 tỷ đồng (chiếm 50,2% cả nước), tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 47,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 21.240 doanh nghiệp (chiếm 31,7% cả nước) với số vốn đăng ký là 362.711 tỷ đồng (chiếm 42,2% cả nước), giảm 0,2% về số doanh nghiệp và tăng 54,3% về số vốn.
Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 20.469 doanh nghiệp (chiếm 30,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 236.827 tỷ đồng (chiếm 27,5% cả nước), tăng 6,7% về số doanh nghiệp và tăng 24,7% về số vốn. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 13.420 doanh nghiệp (chiếm 20% cả nước) với số vốn đăng ký là 163.372 tỷ đồng (chiếm 19% cả nước), tăng 9,0% về số doanh nghiệp và tăng 21,2% về số vốn đăng ký.
Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ tăng cao nhất về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký, cụ thể, có 1.708 doanh nghiệp (chiếm 2,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 20.349 tỷ đồng (chiếm 2,4% cả nước), tăng 8,8% về số doanh nghiệp và tăng 105,0% về số vốn.
Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, cụ thể, có 2.596 doanh nghiệp (chiếm 3,9% cả nước) với số vốn đăng ký là 30.385 tỷ đồng (chiếm 3,5% cả nước), giảm 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 27,6% về số vốn.
- Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 59.416 doanh nghiệp (chiếm 88,7%) và ít nhất là ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng với 900 doanh nghiệp (chiếm 1,3%).
b) Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
- Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 là 21.617 doanh nghiệp, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.
So sánh theo quý, trong Quý II/2019 có 7.312 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2018.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lĩnh vực kinh doanh chính đều có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, ngoại trừ lĩnh vực “Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản” có 330 doanh nghiệp, giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (có 8.186 doanh nghiệp, chiếm 37,9% tổng số, tăng 38,0% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 3.309 doanh nghiệp, chiếm 15,3% tổng số, tăng 28,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.630 doanh nghiệp, chiếm 12,1%, tăng 19,4%).
- Phân theo địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2019, tất cả các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ (7.843 doanh nghiệp, chiếm 36,3% cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2018); tiếp đó là vùng Đồng bằng Sông Hồng (7.187 doanh nghiệp, chiếm 32,6% cả nước, tăng 51,2%).
- Phân theo quy mô vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 tập trung chủ yếu ở quy mô vốn đăng ký từ 0-10 tỷ đồng với 19.274 doanh nghiệp (chiếm 89,2%). Quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng và trên 100 tỷ đồng đều có 280 doanh nghiệp quay lại hoạt động (chiếm 1,3%).
2.2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 50.780 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 18,4% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 21.105 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 17,4%), 21.849 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 19,5%), 7.826 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 18,1%). Trung bình mỗi tháng có 8.463 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 là 21.105 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.
Lý do doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Có rất nhiều doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Tại các kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Phân theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy (có 8.242 doanh nghiệp, chiếm 39,0% tổng số, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 3.051 doanh nghiệp, chiếm 14,4% tổng số, tăng 11,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.668 doanh nghiệp, chiếm 12,6% tổng số, tăng 19,1%). Các lĩnh vực có tỷ lệ tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất là Kinh doanh bất động sản (có 412 doanh nghiệp, tăng 58,5%), Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (có 193 doanh nghiệp, tăng 58,2%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (có 125 doanh nghiệp, tăng 42,0%).
Phân theo địa bàn, Đồng bằng Sông Hồng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất (7.225 doanh nghiệp, chiếm 34,2% cả nước, tăng 19,6%); tiếp đến là Đông Nam Bộ (7.020 doanh nghiệp, chiếm 33,3% cả nước, tăng 20,7%).
b) Tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể
Trong 6 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 21.849 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 10.992 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 6.464 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 4.393 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
c) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2019 là 7.826 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (3.192 doanh nghiệp, chiếm 40,8% tổng số, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2018); Công nghiệp chế biến, chế tạo (825 doanh nghiệp, chiếm 10,5% tổng số, giảm 11,7%); Xây dựng (có 763 doanh nghiệp, chiếm 9,7% tổng số, tăng 7,9%).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2018, ngoại trừ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có 439 doanh nghiệp, giảm 0,7%). Vùng Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất (2.967 doanh nghiệp, tăng 18,2%); tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (1.610 doanh nghiệp, tăng 3,2%).
2.3. Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 16.727 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Danh sách này được xác định trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/02/2016 của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính.
Một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: Hà Nội (có 4.293 doanh nghiệp, chiếm 25,7%), TP Hồ Chí Minh (có 3.595 doanh nghiệp, chiếm 21,5%), Thanh Hóa (có 988 doanh nghiệp, chiếm 5,9%), Hải Phòng (có 743 doanh nghiệp, chiếm 4,4%), Đồng Nai (có 637 doanh nghiệp, chiếm 3,8%), Bình Dương (528 doanh nghiệp, chiếm 3,1%).
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (có 5.740 doanh nghiệp, chiếm 34,3%); Xây dựng (2.568 doanh nghiệp, chiếm 15,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.007 doanh nghiệp, chiếm 11,9%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (996 doanh nghiệp, chiếm 5,9%); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (941 doanh nghiệp, chiếm 5,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (901 doanh nghiệp, chiếm 5,4%).
- Số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa cao; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập vẫn còn hạn chế. Những doanh nghiệp không được tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký có thể đã rút lui khỏi thị trường hoặc đang hoạt động tại địa chỉ khác mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Việc này dẫn đến một số hệ lụy như: doanh nghiệp hoạt động phi chính thức dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh; thất thu thuế của Nhà nước; doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích gây phương hại đến quyền lợi của người lao động... Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký xuất hiện nhiều ở các tỉnh/thành phố lớn hoặc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.
Lê Thị Thu Hải